Nhật ký của một foto yêu chụp ảnh, dạy dỗ, sách vở và rong chơi

Menu & Search

Bắt đầu với câu hỏi tại sao – Cuốn sách truyền cảm hứng.

Mặc dù đã đọc được kha khá các cuốn sách được coi là “gối đầu giường” cho những người yêu kinh doanh nhưng mãi cho tới đầu năm nay, khi đọc xong cuốn “Bắt đầu với câu hỏi tại sao” của Simon Sinek, tôi mới hiểu được việc truyền ảm hứng quan trọng như thế nào không những trong công việc mà còn trong cuộc sống của mỗi người.

Bạn đã bao giờ hỏi rằng tại sao dưới tượng đài Lincoln, thủ lĩnh Luther King đã kêu gọi được sự ủng hộ của hàng triệu người Mỹ chỉ với một câu nói “I have a dream”. Đơn cử hơn ở Việt Nam, tại sao hàng triệu người con dân Việt đều đồng lòng đi theo Bác Hồ cũng với câu nói “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là lý do, động lực để Người dẫn dắt dân tộc đi qua những cuộc chiến đấu giành lại độc lập, mang lại cơm no áo ấm cho dân tộc.

Nhìn rộng ra theo dòng lịch sử, những nhà tư tưởng, lãnh đạo vĩ đại đều có một lý do, một niềm tin để từ đó họ tạo ra một nhóm những người ủng hộ mà không cần phải lôi kéo hay dụ dỗ. Họ được truyền cảm hứng, được cho một lý do để theo đuổi mục đích của nhà lãnh đạo, và nhiều khi họ còn sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng và niềm tin đó.


Bắt đầu với câu hỏi tại sao đưa chúng ta trở về căn nguyên của mỗi vấn đề, mỗi sản phẩm, hành động diễn ra trong cuộc sống. Ở đây, Simon đã đưa ra một mô hình gọi là Vòng Tròn Vàng với ba nấc thang đi từ ngoài vào trong, nhỏ dần. Tâm của vòng tròn là vùng “Tại Sao”, bên ngoài nó là “Thế Nào” và lớp ngoài cùng là “Cái Gì”. Simon chỉ ra rằng với mỗi sản phẩm, hành động, chúng ta đều nên tự đặt ra câu hỏi “Tại sao chúng ta lại làm ra nó” thay vì “Làm sao để làm ra nó” hay “Nó là cái gì”. Simon cũng chỉ ra rằng hầu hết các công ty hiện nay đều chỉ chú trọng họ đang “Làm ra cái gì”, “Làm ra thế nào” mà rất ít trong số họ để ý tới “Tại sao họ lại đang làm như vậy”.

 


Trong một xã hội kinh tế thị trường như hiện nay, khi các sản phẩm trở nên cực kì khó khăn trong việc tạo ra sự khác biệt, thì cái khác của các nhãn hàng chỉ là cách mà họ kể câu chuyện về sản phẩm, hay nói cách khác, họ cho bạn một lý do “Tại sao chúng tôi làm ra nó”. Bạn vào Starbuck có phải vì cafe ngon hay bạn muốn tìm “Một nơi chốn thứ ba ngoài ngôi nhà của mình và công sở” để tận hưởng những giây phút thư giãn? Bạn mua iPhone, Macbook có phải vì nó là những chiếc điện thoại nhiều tính năng hay những chiếc laptop với công nghệ hiện đại nhất? Tại sao ở sân bay, người ta rất tự hào khi mở một chiếc Macbook ra làm việc thay vì một chiếc Dell Studio cũng với ngang ngửa giá tiền? Tại sao cứ mỗi đợt iPhone ra mắt là tạo nên hàng triệu người trên thế giới đứng xếp hàng để mua mặc dù nó không hề sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất như những chiếc Samsung? Tất cả những câu hỏi này đều có chung một câu trả lời: “họ không bán sản phẩm, họ bán lý do họ làm ra nó”. Đó là lý do “tìm kiếm một nơi chốn thứ ba” ngoài công sở và ngôi nhà – là hai nơi bạn dành nhiều thời gian nhất trong cuộc sống. Là lý do bạn muốn tìm kiếm sự khác biệt, để thể hiện cái tôi thông qua việc sở hữu các sản phẩm của Apple. Nó cũng giúp Apple có thể kinh doanh bất cứ loại mặt hàng nào, miễn là nó “giúp bạn tạo ra sự khác biệt, khẳng định bản thân giữa đám đông”.

Ở Việt Nam, giới trẻ ngày nay luôn si mê Bitis Hunter không phải vì Bitis bán giày tốt mà cái Bitis bán là “người bạn đồng hành và truyền cảm hứng cho bạn trên những bước chân đi & trải nghiệm bất tận ghi dấu hành trình tuổi trẻ”. Vì vậy, nếu bạn là những người trẻ, ưa trải nghiệm và khám phá thì Bitis Hunter là dành cho bạn.

Bắt đầu với câu hỏi tại sao cho chúng ta tìm về bản chất, động lực giúp chúng ta làm một công việc, một sản phẩm. Qua đó giúp những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng và niềm tin cho toàn bộ đội ngũ nhân viên trong công ty, giúp họ đồng lòng chung sức cho một lý tưởng mà người lãnh đạo hằng theo đuổi. Điều này nhiều lúc còn quan trọng hơn cả tiền, vì nó mang lại cho chúng ta cảm giác thỏa mãn khi thực hiện những lý tưởng lớn lao. Đồng thời, nó còn giúp hoạt động marcom có một mục tiêu, một lý tưởng để hướng tới.

Tuy nhiên, nói như vậy không bao hàm rằng “Vòng tròn vàng” luôn chính xác. Đã có rất nhiều các luồng tư tưởng được đưa ra để phản biện và chỉ ra những bất cập của nó. Các chuyên gia về thương hiệu và marketing đã chỉ ra rằng việc áp dụng vòng tròn vàng chỉ nên giới hạn về mặt truyền thông thương hiệu vì bản thân khi thực hiện các chiến dịch quảng cáo cho các sản phẩm mới, Apple cũng không hề đưa ra thông điệp nào liên quan tới “Think different” của họ mà tập trung vào các USP của sản phẩm.

Nhấn mạnh về sự tiện lợi và nhỏ gọn.

 

Một tương lai – Có gì liên quan tới Think Different không nhỉ ?

 

Giống như một máy tính và không giống bất cứ máy tính nào khác cũng không bao hàm việc họ “Think different” về máy tính bảng.

 

Và đây thuần thúy là nói về tính năng của sản phẩm.

Hay thậm chí như Tesla, khi giới thiệu những chiếc xe của mình cũng không hề đề cập tới Why của họ

“ Model S is the safest, quickest car on the road — with industry-leading performance, range, and storage.”

 

Model 3 is the car of the future — with our most refined design and engineering ever.” Chiếc xe này chắc nên đi cùng iPhoneX để định hình future.

 

Vì vậy, theo quan điểm của Jason Teunissen –  Một cây viết kì cựu của UX Planet đã đưa ra một giải thích kèm ứng dụng cụ thể hơn cho Vòng Tròn Vàng như sau

 

Theo đó vùng “Why” đại diện cho Tầm Nhìn của công ty, nó là sứ mệnh, là niềm tin để công ty thông qua các Phương Thức “How” đưa ra các Sản Phẩm “Product” để giải quyết các nhu cầu rất cụ thể của người sử dụng. Về phía người dùng, họ không quan tâm tới lý tưởng lớn lao của bạn ra sao, cái quan trọng là sản phẩm giúp được họ hoàn thành một cái gì đó. Vì vậy, theo quan điểm của Jason – quan điểm được nhiều người ủng hộ, chúng ta nên hiểu và ứng dụng Vòng Tròn Vàng như sau:

Nói về sản phẩm: Các kênh quảng cáo, website, podcasts, poster..
Nói về tầm nhìn: Sự kiện liên quan tới thương hiệu, phỏng vấn, seminars, talkshow, blogs…

Một ý kiến nữa của Dominic tới từ Monk House & Company cho rằng không nên bắt đầu một doanh nghiệp với “Why” của Vòng Tròn Vàng vì tất cả các doanh nghiệp đều được tạo thành từ việc cung cấp và bán sản phẩm mà thị trường cần. Như vậy, các doanh nghiệp nên bắt đầu từ “Who” – là khách hàng mà họ đang hướng tới, xác định rõ phân khúc khách hàng và nghiên cứu kĩ nhu cầu của họ. Một lần nữa, Dominic chỉ ra rằng Vòng Tròn Vàng sẽ hữu hiệu trong việc truyền đạt các thông điệp về Thương Hiệu hơn là bán sản phẩm. Khi nói về thương hiệu, đó sẽ là câu chuyện của những công ty với định hướng xây dựng và tồn tại từ 5-10 năm trở lên.

Kết lại, “Bắt đầu với câu hỏi tại sao” là một cuốn sách hay không chỉ cho những người làm kinh doanh mà còn với bất cứ ai đang đi tìm động cơ và cảm hứng trong cuộc sống. Đặc biệt, khi hiểu đúng về Vòng Tròn Vàng, cũng như áp dụng nó khéo léo sẽ tận dụng được toàn bộ ưu điểm “tạo cảm hứng” của nó cho nhân viên trong công ty và xây dựng hình ảnh thương hiệu. Tuy vậy với khách hàng, ngoài cảm hứng, sản phẩm đó phải thực sự giải quyết được vấn đề mà họ đang gặp phải mới khiến họ mua hàng. Thương hiệu tốt, thông điệp hay, chỉ giúp bạn bán được hàng với giá cao hơn đối thủ mà thôi.

Credit

Cover image by covervault

Hung Nguyen

Photographer, Instructor, Lover, Đi chơier

Related article
Những giấc mơ ở hiệu sách morisaki

Những giấc mơ ở hiệu sách morisaki

Lâu rồi mới đọc một tác phẩm văn học của…

Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng

Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng

Cuốn sách qúa nổi tiếng gần trăm năm nay của…

Gái Tây ế ở Hà Nội – Phiên bản Úc của Under the Tuscan sun

Gái Tây ế ở Hà Nội – Phiên bản Úc của Under the Tuscan sun

Nhớ lần đầu cách đây nửa năm cầm trên tay…

Type your search keyword, and press enter to search