
Bắt đầu với câu hỏi tại sao – Cuốn sách truyền cảm hứng.
Mặc dù đã đọc được kha khá các cuốn sách…
Cuốn sách qúa nổi tiếng gần trăm năm nay của tác giả người Pháp Alexandra David – Neel, lúc ra đời nó thực sự là cú địa chấn và làm thay đổi hoàn toàn cách thức mà người Âu Mỹ nhìn nhận về vùng đất linh thiêng và huyền bí này. Nó giúp vén màn một phần về những ngộ nhận, những bí ẩn, lời đồn thổi về các huyền thuật, thủ tục, nghi lễ tôn giáo vốn mới chỉ được Lhasa hé mở với công chúng trong những năm gần đây thông qua mở cửa du lịch.
Alexandra David-Neel – @weekend.lesechos.fr
12 năm dành ra cho việc học tập Phật Pháp tại nơi đây, suốt từ những trải nghiệm đầu tiên lăn lê ở Sikkim tới khi được hoà thượng Sakyong “nhắc nhở” khi bà than phiền không xin được visa vào Tibet rằng: “Có hàng trăm lối vào Tây Tạng, đâu phải chỉ đi qua những trạm kiểm soát trên các con lộ chính. Nếu đã có lòng thiết tha cầu đạo thì những ngăn trở địa dư đâu có nghĩa lý gì”. Đó cũng có thể là những thôi thúc đầu tiên nhen nhóm lên ngọn lửa sẽ quay lại và tới Tây Tạng của bà.
Trong yên tĩnh người ta mới có thể lắng nghe được những âm thanh huyền diệu vì mọi âm thanh trên thế gian đều là những diệu âm của chư Phật
Nhờ vào mối thân tình với hoàng thái tử Sidkeong mà bà đã được tiếp xúc với rất nhiều các Lạt Ma, qua đó mở rộng hiểu biết và vẽ nên bức tranh về một Tây Tạng thật sâu sắc. Cái hay trong trải nghiệm của bà là ở chỗ bà không chỉ là một học giả mà bản thân bà còn là một tín đồ, một tín đồ bậc cao được gọi với cái tên “Gomchenma” vì bà đã dành từng tu nhập thất trên đỉnh Thangu – một cách tu hành không hề dễ dàng ngay cả với những tín đồ Tây Tạng. Chính ở đỉnh Thangu này, bà đã tìm thấy tiếng nói nội tâm của mình như Lachen Gomchen đã dạy bà:” Trong yên tĩnh người ta mới có thể lắng nghe được những âm thanh huyền diệu vì mọi âm thanh trên thế gian đều là những diệu âm của chư Phật”.
@imartnepal.com
Rời Sikkim để trở về cuộc sống thực tại, qua Miến Điện, rồi lại dạt qua Nhật Bản…đâu đâu bà cũng bị những âm thanh cuộc sống làm bà nghẹt thở, cuối cùng, sau một khoảng thời gian ẩn mình ở Triều Tiên, bà quyết định quay trở lại và tìm đường vào Tây Tạng. Cũng từ đây, con đường tu tập của bà được mở ra mênh mông, đúng như những Lạt Ma đã nói, Sikkim chỉ là một mảnh vụn nhỏ, không đáng kể nếu so với Tây Tạng. Vùng đất này chào đón bà với đền thờ Kumbum – Cái nôi của giáo phái Mũ Vàng – mở đầu cho truyền thống Đạt Lai Lạt Ma. Nếu không đọc, hầu hết chúng ta sẽ vẫn bị lầm tưởng rằng hai giáo phải Mũ Vàng và Mũ đỏ xung đột và thậm chí bài trừ lẫn nhau như hai dòng Sunni và Shia – hai dòng hồi Giáo đã đánh giết lẫn nhau được hơn 1000 năm. Ở đây, một ngôi chùa mũ Vàng sẵn sàng mời một tu sĩ mũ Đỏ về trụ trì hay trong Kumbum, không bao giờ thiếu vắng những học sinh mũ Đỏ. Xứ Tạng là vậy, tất cả đều được gói lại trong Phật pháp.
@wildernesstravel.com
Các chương tiếp theo dẫn người đọc vào thế giới huyền thuật của Tibet. Cái hay ở đây là những huyền thuật này được chính bà trải nghiệm hoặc nghe kể lại từ những Lạt Ma uy tín của Tibet. Từ các phương pháp tập luyện kỳ quái như Chod ngoài nghĩa địa tới ám ảnh về quỷ nhập tràng. Sau đó, không dưới 3 lần bà đã chứng kiến tận mắt những đạo sĩ khinh công chạy vun vút, chân lướt trên ngọn cỏ và có thể đi hàng mấy nghìn cây số trong 2-3 tuần, duy chỉ có một điều là không được “đánh thức” họ khi họ đang chạy vì có thể tẩu hoả nhập ma, chết bất đắc kỉ tử. Tiếp sau đó, một môn huyền thuật khác – cái đã giúp bà thoát chết khi mắc kẹt trong băng tuyết – là luyện lửa tam muội. Nó giúp cho các người luyện có thể khoác một manh vải mỏng và ngồi tu tập trong tuyết mà không thấy lạnh nhờ hoả công. Ngoài ra, nếu “Thần giao cách cảm ‘ là một thứ gì đó phương Tây đã biết nhưng chưa được công nhận rộng rãi thì cái chuyện thầy trò cách xa nhau hàng nghìn cây số vẫn giao tiếp được với nhau thì là chuyện hết sức thường ngày ở Tây Tạng.
Gấp cuốn sách lại đầy hân hoan. Đã lâu không ngồi đọc hết veo cuốn sách trong một ngày như thế. Nói về cái này phải dành lời khen tặng xuất sắc cho Dr. Nguyen Phong vì đọc không hề có cảm giác là sách dịch !
Một ngày nghỉ lễ quá tuyệt vời, giờ qua “Bên rặng Tuyết Sơn” và “Đường mây qua xứ tuyết” thôi nào !