Lê lết ở Angkor
Phải nói rằng cái quyết định đi Angkor đến không thể ngẫu nhiên hơn. Trong một lúc cao hứng, nhân tiện những ngày Tết rảnh rang bèn nghĩ nên đi đâu đó, tiện thể xả stress tích tụ đã lâu. Cũng vào đợt này, Covid có vẻ đang lên cao điểm, đi lại chắc sẽ khó khăn hoặc bị bắt lại cách ly không chừng. Trong đầu hiện lên quá nhiều suy nghĩ và 1000 cái nếu. Thế rồi, vẫn cái thói quen tặc lưỡi có chút “bố đời” và checkout vé máy bay với khoảng thời gian 05 ngày cho Angkor. Lúc tìm hiểu sau đó rồi lại tự hỏi mình “Làm cái quái gì ở Angkor tận 05 ngày”, nhưng đơn giản lúc đó nghĩ cần đi khoảng 05 ngày, thế là book thôi, miễn là không phải ở Việt Nam.
“Lên đường với trái tim rộng mở, trống rỗng để mong được lấp đầy” – Phương Mai.
Về khoản đi chơi ngẫu hứng này thì mình phải nói là giống chị Phương Mai i sì đúc. Vẫn là cái kiểu đi chẳng có một cái chuẩn bị gì cả, thông tin về nước bạn cũng chả thèm đọc, cũng không thèm lên Internet tham khảo lịch trình hay những kinh nghiệm đau thương khi người ta tới cái xứ này. Cái này chắc một phần xuất phát từ việc Campuchia nó kè kè ngay cạnh, cách có 2-3 tiếng bay, lại là nước “anh em” nên chắc có gì thì có thể nhờ vả “anh em” được chăng. Hơn nữa, kinh nghiệm lê lết và xoay sở trong 03 năm lê lết ở khắp các nước Châu Âu cũng đã để lại kha khá vốn liếng. Ừ thì người ta không nói tiếng Anh cũng chả sao, vặn vẹo tay chân mồm miệng thể nào chả hiểu, ăn thì cứ ra phố mà tẩn street food thôi cho nó “đậm đà bản địa”. Còn ở, chọn chỗ nào đông nhất, nhiều khu buôn bán chợ chủng mà quất, vừa sướng cái mồm, lại nhàn cái thân.
Máy bay đáp xuống sân bay Siem Reap nhẹ tênh, sân bay tuy bé nhưng phải khen ngợi khoản design rất mang phong cách đặc trưng văn hoá Cambodia, đặc biệt với các đuôi mái nhà cong vút chứ không nhàm chán và y hệt nhau như các sân bay quốc tế bây giờ. Nhìn vào một sân bay hiện đại, khó mà đoán được nó của nước nào vì cái nào giờ nhìn cũng sêm sêm nhau, chỉ hơn nhau thi đua khoảnn to hơn, dịch vụ nhiều hơn. Nghe nói người ta đang có kế hoạch xây dựng một sân bay có nguyên cả 1 khu rừng nguyên sinh ở giữa cho bà con cô bác vui chơi trong lúc chờ bay, thật là nhã quá, chắc chơi đu dây.
Đặt chân tới Tónle Sap lake vào mùa nước cạn nên không có cơ hội nhìn thấy làng mạc ven hồ “chìm trong biển nước” nhưng bù lại được tận hưởng cái kiến trúc có một không hai của xứ này khi tất cả các toà nhà đều nằm trên hệ thống cọc trụ, thấp lắm cũng phải 2-3m. Điều này là để tránh ngập lụt khi mùa nước lên. Vào mùa này, nước được đổ từ Mekong vào Tonle Sap làm mực nước dâng lên 3-4m biến những khu làng này trở thành hệ thống làng nổi – một thứ đặc sản kiểu chợ nổi của vùng nông nước Nam Bộ Việt Nam.
Campuchia bụi và rất bụi, hầu như chỉ toàn đường đất đỏ nên mỗi khi 1 chiếc xe chạy qua là cả đám đằng sau tha hồ vui vầy trong “sương sớm”. Chắc cũng vì 1 năm có 06 tháng ngập lụt nên người ta ko đổ đường nhựa chăng ?
Làng này người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá mú thuỷ hải sản rồi phơi khô đem bán. Theo văn hoá người Cam, trước nhà nào cũng có một bàn thờ nhỏ thờ Trời, Phật… vốn là văn hoá tín ngưỡng cổ của người Khmer. Do hơn 90% dân số Campuchia theo đạo Phật nên nói chung người Cam khá lành và Phật giáo được coi là rường cột trong mọi mối quan hệ xã hội, văn hoá, ứng xử ngoài xã hội cũng như trong gia đình.
Ngày đầu tiên, tôi dự tính sẽ dành nguyên ngày ở Tonle Sap để ngắm hoàng hôn nhưng thực tế thì nó cũng không đẹp lắm và phải đi thuyền ra khá xa ngoài hồ ngắm trên một chiếc bè. Điều thú vị là trong khi đi thuyền về, hoàng hôn lúc này mới thực sự huyền ảo. Ngoảnh sang phía con thuyền chạy đối diện, tôi bắt gặp một khung cảnh không thể “chất” hơn. Rất may là theo thói quen, mặc dù đã lên thuyền vi vu sóng nước nhưng máy ảnh luôn bật và tất nhiên RAW luôn được set. Cảm giác khung cảnh như chiếc thuyền và đám người đang chạm vào nhau, nghe thuật huyễn hoặc nhưng không thể thật hơn.
Thuyền cập bến ở bờ sông Tonle Sap và đúng là những lúc không ngờ tới thì cũng là những lúc đẹp nhất. Bờ Tonle Sap hôm đó dường như đang có lễ hội vì khắp nơi là các gia đình Campuchia tới để ăn uống và picnic. Hỏi ra thì họ đang weekend, văng vẳng là những điệu nhạc xập xình từ con loa nghe có vẻ cũ, tiếng trẻ con nhốn nháo hoà cùng tiếng hú hét của đám thanh niên..tất cả hoà vào trong làn sương mờ ảo của Tonle Sap.
Ngày đầu tiên trôi qua, cũng là ngày mà tôi cảm thấy hứng thú nhất vì những trải nghiệm bất chợt như thế. Còn nói về Angkor, đã có quá nhiều câu chuyện và sự tích xung quanh ngôi đền này, viết lại cũng bằng thừa. Vì thế tôi chỉ kể ra ở đây những trải nghiệm của bản thân mà tạm quên đi phần lịch sử có phần hào hùng của một giai đoạn đế chế Khmer.
Đến Angkor, không thể bỏ qua trải nghiệm đón mặt trời mọc ở khu đền chính. Lọ mọ đậy đi từ 4am, cái không khí lúc này mới phê cần làm sao khi chỉ khoảng 22-24 độ trước khi vọt lên tầm 40 độ khi mặt trời lên cao. Ngồi trên ngôi đền nhỏ đối diện cửa vào Angkor Wat, order 1 cốc caffe chống gật và nhìn mặt trời lên dần sau phía ngôi đền là một cảm giác khá cool mà bạn nên thử.
Angkor Wat hiện trạng giờ chỉ còn là những tàn tích hơn là những công trình. Khoảng 70% các công trình đã sụp đổ và chỉ còn là đống đất đá. Vật liệu được sử dụng trong xây dựng Ankor là đá sa thạch(đá cát) nên về bản chất nó sẽ bị vỡ theo thời gian và cũng không thể điêu khắc công phu trên đó được. Tuy nhiên trong điện có khá nhiều các motif hoạ tiết được khắc tỉ mỉ không kém phần đẹp đẽ, tất nhiên nó ko thể so với đá marble ở châu Âu nhưng làm được như thế trên đá sa thạch thì cũng là đáng nể rồi.
Lượn 1 vòng, chụp vài pô ảnh ghi dấu lại Angkor và tránh những góc “thần thánh” mà thiên hạ đã chụp.
Trong hai ngày viếng thăm Angkor, tôi đã đến đủ những nơi được nhà nhà check in và tất nhiên không thể thiếu mấy cái đền thờ có rễ cây phủ lên rất “đặc trưng” mà đâu đâu cũng thấy. Tôi chọn 1 góc nhìn khác, đơn giản chỉ để cho khác đi.
Rời Angkor, cảm xúc còn lại chỉ là quá khứ, những niềm tự hào về một thời cực thịnh mà người Khmer có thể tự hào. Trở lại với thực tại, còn nhiều điều cần phải làm, phải học hay phải tiến bộ hơn nữa cho những con người Campuchia. Nhìn những dấu chân lẫn lộn trên cát, tự hỏi rằng đã có biết bao những con người qua lại nơi đây, để lại dấu chân trên cát này và rồi thời gian sẽ lại phủ lấp nó, để rồi bị lãng quên như chính Angkor trước khi tìm lại được giá trị của nó.