Nhật ký của một foto yêu chụp ảnh, dạy dỗ, sách vở và rong chơi

Menu & Search

Ôi nghề đó thật cao quý…

Nói chuyện với nhiều người, kể ra cũng thấy lạ, hầu hết mọi người đều quan niệm có một số nghề được liệt vào dạng Cao Quí – hiểu là xếp ở rất Cao và đặc biệt rất Quý, nhất là các nghề có liên quan tới giáo dục đào tạo, y dược….còn các nghề khác thì mi giỏi kệ mi, nói chung mi làm nghề đấy thì cũng thường thôi. Lạ kì, ai đề ra cái nguyên tắc “Nghề Cao Quí” nhỉ ??? Đào tạo con người, ừ thì rằng là quan trọng nhưng thực ra nghề nghiệp không có sự phân chia sang hèn. Cái thực sự làm nên khác biệt chỉ là ở chỗ:

1. Chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền ?

Hơi phũ nhưng người giàu luôn là người giỏi dù ở bất cứ ngành nghề gì, hãy tôn trọng người giàu và cố để mà giàu, đừng bôi bác, nói xấu, dìm hàng họ. Xã hội chúng ta trước đây thường không coi trọng những người giàu một phần vì ganh ghét và đố kị. Cái này từ lâu đã là thói quen chung của xã hội. Thay vì tìm cách lao động và làm việc để vượt lên thi người ta thì nói xấu, gièm pha chê bai này nọ, một phần để tỏ ra “ta đây cũng biết nhưng ta không làm thôi”.

2. Công việc của chúng ta có mang lại lợi ích, hay ảnh hưởng tốt tới những người xung quanh hay không ?

Khi bạn có thể mang lại động lực làm việc cho người khác, khuyến khích người khác cùng làm việc và phát triển, bạn đang tạo ra những giá trị tuyệt vời cho bản thân và xã hội. Cái này trong vài năm trở lại đây hơi bị lạm dụng, nhà nhà khởi nghiệp, người người tạo nghiệp….à quên thất nghiệp. Truyền thông hô hào, tạo động lực cho vô vàn những bạn trẻ bước chân vào con đường kinh doanh bằng cách “hãy thoát ra khỏi vùng an toàn đi các bạn”. Ừ nhảy phát thoát ra ngay….xong đứng nhìn đường….

Mình có nghe thầy BrandSơn nói rằng: “Truyền thông và giáo dục không đúng là tội ác“….hẳn là thế. Giáo dục luôn được coi là cao quý vì bản thân nó truyền cảm hứng và động lực cho rất nhiều thế hệ con người.

3. Chúng ta có thực sự yêu công việc chúng ta đang làm hay không ?

Có háo hức được làm việc mỗi ngày hay không ? Khi chúng ta yêu công việc của mình, công việc dần sẽ trở thành một hình thức giải trí, chúng ta sẽ làm tốt với ít mệt mỏi nhất. Qua thái độ làm việc của chúng ta, năng lượng tích cực sẽ được lan toả tới mọi người xung quanh, thúc đẩy mọi thứ đi lên.

Mình đã từng đi làm nhiều nơi, mỗi khi tan ca đi về ngang qua phòng sếp vẫn thấy sếp cặm cụi làm việc….và tự thấy bản thân mình lười biếng.

4. Chúng ta có dám chấp nhận thay đổi, thách thức trong công việc chúng ta đang làm hay không dù có thể thất bại.

Những người buôn bán kinh doanh luôn vô cùng năng động, dám chấp nhận thách thức và rủi ro. Thành công hay không thì chưa biết nhưng chỉ riêng thái độ sống đã xứng đáng được trân trọng. Chúng ta có dám thay đổi hay không hay chọn phương án an toàn ?

Từ lúc bỏ ngành IT và bước chân sang con đường Nhiếp ảnh, chưa bao giờ nghĩ bản thân đã sai. Đó có thể là do suy nghĩ đơn giản, do liều hoặ may mắn…không biết được nhưng mình đã luôn làm việc chăm chỉ và mình nghĩ khi bạn chăm chỉ và hết mình với nghề, nghề sẽ không phụ bạn.

Nghề nào thực ra cũng là đáng quí khi con người ta lao động nghiêm túc. Nếu xã hội chỉ toàn Thạc Sĩ, Tiến Sĩ thì hẳn là xếp hạng thế giới phải ở mức….bét vì lấy gì ra mà ăn, mà giải trí, mà sinh hoạt. Mình có thể dành hàng giờ chỉ để nghe một bác bảo vệ nhiệt tình kể về công việc của bác, một bạn làm hoa mô tả không biết mệt mỏi về cách cắm một bình hoa đẹp, hay một bác làm bánh chỉ cho mình thấy làm bánh nó cầu kì tới mức nào một cách đầy đam mê…hơn là ngồi 15 phút với một Thạc Sĩ, Tiến Sĩ trà đá chém chuyện thế giới vì thực sự nó rất nhảm và không mang lại một chút giá trị nào.

Khi con người ta lao động và yêu nghề, đấy là điều hạnh phúc nhất, và họ đáng được trân trọng bởi lẽ yêu nghề thì họ sẽ làm tốt nó với một tinh thần không đối phó. Vì thế, những cuộc nói chuyện với những người yêu nghề luôn vô cùng thú vị, hấp dẫn và có thể kéo dài vô tận bởi đơn giản họ đang bộc lộ toàn bộ đam mê, sở thích và nhiệt huyết của mình mà không cần phải lựa chọn ý tứ, lời lẽ hay nội dung bởi nói về cái mình yêu thích sẽ là không bao giờ đủ thời gian. Những lúc như thế, mình thấy người ngồi đối diện vô cùng đáng yêu và đáng được trân trọng mà chẳng quan tâm tới Nghề họ là gì.

Nghề nghiệp không quan trọng, quan trọng là thái độ sống và làm việc của mỗi người, đấy mới là cái tạo nên giá trị và được xã hội coi trọng.

 


Credit: Cover image from Freepik.com

Hung Nguyen

Photographer, Instructor, Lover, Đi chơier

Type your search keyword, and press enter to search